Hạn chế dùng muối khi bị tăng huyết áp

Ngày nay cụm từ “tăng huyết áp” đã vô cùng phổ biến trong cuộc sống của chúng ta, nhưng hầu như rất nhiều người có tâm lý sống chung với lũ và việc uống thuốc điều trị tăng huyết áp như là ăn cơm hàng ngày, trong khi đó tăng huyết áp thường được biết đến như là một kẻ giết người thầm lặng, tăng huyết áp  đôi lúc không hề có bất kỳ một dấu hiệu hoặc triệu chứng nào. Do đó để phát hiện bệnh tăng huyết áp, vừa qua Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Ninh Thuận tổ chức khám sàng lọc cho 2000 người dân thuộc 04 xã Bắc Phong (huyện Thuận Bắc), xã Phước Ninh (huyện Thuận Nam), xã Phước Thái và Phước Hữu (huyện Ninh Phước).   


Nên đo huyết áp định kỳ để nắm bắt được tình trạng cơ thể, chẩn đoán sớm bệnh
và điều trị kịp thời.

 

Bệnh vào từ miệng, đó là câu nói dân dã mà rất đúng. Ăn là nhu cầu tiên quyết và không thể thiếu của mỗi con người nhưng trên mâm cơm hàng ngày lại tiềm ẩn biết bao nguy cơ gây bệnh nếu không biết cách chế biến đúng hoặc không ăn uống một cách khoa học. Thừa cân - béo phì, tăng huyết áp và các bệnh lý tim mạch có thể đến với bất cứ ai với chế độ ăn uống không hợp lý trong những bữa cơm hàng ngày. Vấn đề muốn nói ở đây là việc sử dụng muối trong bữa ăn hàng ngày nhằm giảm thiểu tình trạng có thể dẫn đến bệnh tăng huyết áp do lạm dụng muối, phải nói rằng muối là một gia vị không thể thiếu trong trong chế biến các món ăn hàng ngày, tất cả các món ăn đều phải có một lượng muối nhỏ nhất định. Muối giúp cân bằng lượng nước trong cơ thể và có tác dụng hòa tan một số chất.

Ngoài ra natri trong muối cùng với kali, canxi và magiê kết hợp với nước tạo thành một hợp chất gọi là chất điện phân, có tác dụng "vệ sinh" bên trong cơ thể, nhưng nếu lạm dụng quá nhiều muối sẽ rất nguy hiểm. Bởi với một chế độ ăn mặn (thừa muối), chúng ta có nguy cơ bị tăng huyết áp và các biến chứng nặng nề của tăng huyết áp như: Đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy tim, suy thận...

Nếu ai chẳng may mắc một số bệnh phải ăn nhạt hoàn toàn thì thật là khổ sở vì sẽ mất đi cảm giác ngon miệng. Thế nhưng nếu ăn nhiều muối thì lại không tốt cho sức khỏe.

Tại sao ăn nhiều muối lại bị tăng huyết áp? Vì nó làm tăng tính thấm của màng tế bào đối với natri, ion natri sẽ chuyển nhiều vào tế bào cơ trơn của thành mạch máu, gây tăng nước trong tế bào, tăng trương lực của thành mạch, gây co mạch, tăng sức cản ngoại vi, dẫn đến tăng huyết áp.  

Các thực phẩm ăn vào như: cá ướp muối, dưa cà muối, các loại mắm, đồ hộp, chả lụa, xúc xích, món canh, xào, kho mặn, mắm muối chấm trên bàn ăn… đã tiềm ẩn một lượng muối. Tuy nhiên nếu quá lạm dụng muối vào các bữa ăn hằng ngày sẽ khiến huyết áp tăng lên có thể nguy hại cho tim; ảnh hưởng đến động mạch, thận và não.

Nói thêm rằng đối với trẻ nhỏ, khi trẻ  bắt đầu ăn bổ sung cũng nên tập thói quen ăn nhạt, khi nấu bột có thể không cần cho thêm muối hoặc mắm, nhất là trong những trường hợp trộn thêm sữa bột, pho mai vào bột, cháo; vì bản thân muối trong thức ăn cũng đã đủ cho nhu cầu của trẻ. Trong những trường hợp trẻ đã quen ăn muối thì cũng nên nấu nhạt hơn so với khẩu vị của người lớn. Vì chức năng thận của trẻ còn yếu nên khả năng thải muối kém, natri bị tích tụ nhiều trong cơ thể không tốt cho sức khỏe của trẻ.

Người lớn không may bị tăng huyết áp thì nên ăn nhạt và ăn hạn chế các loại thực phẩm chứa nhiều muối. Nên bỏ thói quen dùng thêm chén nước mắm trong bữa ăn, kể cả chấm rau luộc. Những người bệnh suy thận, suy tim phải thực hiện chế độ ăn nhạt tùy theo từng giai đoạn của bệnh; ở giai đoạn nặng phải ăn nhạt hoàn toàn, tức không được sử dụng muối và hạt nêm trong chế biến cũng như tại bàn ăn, không dùng các loại thức ăn chế biến sẵn có nhiều muối.

Đồng thời hạn chế sử dụng những thức ăn chế biến sẵn như mì ăn liền, giò chả, lạp xưởng, đồ hộp... Chú ý với những loại thức ăn nhanh, những món ăn công nghiệp luôn có lượng muối khá cao.

Vì thế, việc giảm lượng muối nạp vào cơ thể là điều rất quan trọng với những người có bệnh tăng huyết áp. Giảm lượng muối nạp vào cơ thể sẽ giúp giảm áp lực lên hệ tim mạch của họ và giúp cải thiện cuộc sống, nâng cao tuổi thọ.
Bích Trâm