Cải thiện chất lượng dân số: Cần tập trung giải quyết bài toán kinh tế
Chính sách khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi và sinh con thứ 2 trước 35 tuổi đang được dư luận quan tâm. Mục tiêu của chính sách là nhằm nâng cao chất lượng dân số trong bối cảnh già hóa dân số đang diễn ra nhanh. Nhưng để đạt được mục tiêu này, thì việc giải quyết bài toán kinh tế cho thanh niên phải được quan tâm hàng đầu.
Kỳ vọng nâng cao chất lượng dân số
“Chương trình điều chỉnh mức sinh phù hợp các vùng, đối tượng đến năm 2030” (gọi tắt là Chương trình) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 588/QĐ-TTg ngày 28/4/2020. Mục tiêu chung của Chương trình là nhằm duy trì vững chắc mức sinh thay thế trên toàn quốc, góp phần thực hiện thành công Chiến lược Dân số Việt Nam đến năm 2030.
Một điểm rất mới của Chương trình là chính sách khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi và sinh con thứ hai trước 35 tuổi. Theo lý giải của đại diện Bộ Y tế, phụ nữ sinh con trước 30 tuổi sẽ rất tốt cho cả mẹ và trẻ; sinh con muộn sẽ có nhiều nguy cơ.
Cụ thể, phụ nữ càng lớn tuổi sinh con càng đối diện nguy cơ cao gặp biến chứng trong thai kỳ như tiểu đường, cao huyết áp, nguy cơ sảy thai… Đặc biệt, nguy cơ con chậm phát triển về thần kinh vận động cũng tăng theo tuổi của mẹ. Theo các nghiên cứu, người mẹ 25 tuổi có tỷ lệ sinh con bị bệnh Down chỉ là 1/1.250; 30 tuổi là 1/952, trên 35 tuổi là 1/378, trên 45 tuổi là 1/30.
Vì vậy, việc khuyến khích thanh niên kết hôn trước 30 tuổi; phụ nữ sinh con thứ hai trước tuổi 35 là nhằm góp phần bảo đảm sức khỏe, nâng cao chất lượng dân số. Đặc biệt, Bộ Y tế kỳ vọng, chính sách khuyến khích này sẽ góp phần quan trọng phòng ngừa tình trạng già hóa dân số đang diễn ra nhanh, khi mà xu hướng thích cuộc sống độc thân, kết hôn muộn, nuôi con đơn thân... đang gia tăng.
Bài toán về kinh tế
Để triển khai chính sách này, một trong những hoạt động, nhiệm vụ ưu tiên cần làm ngay được nêu trong Quyết định 588/QĐ-TTg là bãi bỏ các quy định của các tổ chức, cơ quan, đơn vị, cộng đồng liên quan đến mục tiêu giảm sinh, tiêu chí giảm sinh con thứ ba trở lên… Nhưng điều này liệu có đồng nghĩa sẽ bỏ khẩu hiệu “Dù gái hay trai, chỉ hai là đủ”?
Trên thực tế, chính sách khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi và sinh con thứ hai trước 35 tuổi sẽ chỉ được áp dụng thí điểm ở những địa phương có mức sinh thấp. Theo kết quả tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, số con trung bình của mỗi phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ của cả nước hiện gần 2,1 con/phụ nữ (mức sinh thay thế). Nhưng cả nước hiện có 22 tỉnh, thành phố có mức sinh dưới 2,1; trong đó thấp nhất là TP. Hồ Chí Minh (1,39).
Trong khi đó, ở các địa phương còn lại, đặc biệt là các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi, mức sinh hiện vẫn còn rất cao. Chỉ tính các tỉnh Trung du miền núi phía Bắc, mức sinh bình quân là 2,69 con/phụ nữ, cao nhất là Lai Châu, với mức sinh 3,11 con/phụ nữ.
Mức sinh cao khiến đời sống của đại bộ phận người dân vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn rất thấp. Tính toán của Tổng cục Thống kê cho thấy, nhóm nghèo nhất trung bình có 4 con, trong khi nhóm giàu nhất trung bình chỉ 2 con.
Chính vì vậy, đối với các địa phương vùng dân tộc thiểu số và miền núi vẫn phải tiếp tục thực hiện có hiệu quả chính sách Dân số - Kế hoạch hóa gia đình; vẫn tuyên truyền với khẩu hiệu “Dừng lại ở hai con để nuôi dạy cho tốt”.
Điều này đồng nghĩa, chính sách khuyến khích nam, nữ kết hôn trước 30 tuổi và sinh con thứ hai trước 35 tuổi sẽ chỉ triển khai ở một số địa bàn có mức sinh thấp. Tuy nhiên, để chính sách đạt mục tiêu thì quan trọng nhất phải có cơ chế hỗ trợ, như: Hỗ trợ mua nhà ở xã hội, thuê nhà, ưu tiên vào trường công lập, hỗ trợ chi phí giáo dục trẻ em, xây dựng kinh tế gia đình… Bởi thực tế, đại đa số thanh niên trước khi tiến tới hôn nhân đều phải cân nhắc bài toán kinh tế.
Chí Đại