Cảnh báo nguy cơ ngộ độc thức ăn đường phố, nơi cổng trường học
Thức ăn đường phố là một loại thực phẩm khá phổ biến không chỉ ở Việt Nam mà ở nhiều quốc gia trên thế giới. Với sự đa dạng, phong phú, thuận tiện và tiết kiệm thời gian cho người tiêu dùng, thức ăn đường phố được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng và lựa chọn sử dụng. Tuy nhiên bên cạnh những lợi ích nêu trên, vẫn tiềm ẩn nhiều nguy cơ khó lường cùng với thời tiết nắng nóng oi bức là điều kiện tốt cho các vi sinh vật trong thực phẩm phát triển mạnh làm cho thức ăn nhanh hỏng, ôi thiu gây ngộ độc thực phẩm cho người tiêu dùng, làm ô nhiễm môi trường, mất mỹ quan đô thị và trật tự an toàn giao thông.
Thời gian qua trên cả nước liên tiếp xảy ra các vụ ngộ độc thực phẩm do ăn các loại thực phẩm, bánh kẹo trước cổng trường: Học sinh ngộ độc sau khi ăn cơm chiên, bánh mỳ trước cổng trường, học sinh ngộ độc sau khi ăn kẹo “lạ” không rõ nguồn gốc, học sinh ngộ độc khi uống nước ngọt được phát miễn phí trước cổng trường…
Để đảm an toàn thực phẩm góp phần phòng chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm Ngành Y tế khuyến cáo, lưu ý người kinh doanh và người tiêu dùng thực phẩm chín, thức ăn ngay và thức ăn đường phố cần thực hiện một số nội dung như sau:
- Đối với những thực phẩm lạ như kẹo bánh không rõ nguồn gốc, không có tem nhãn không rõ ràng suất xứ, học sinh không được dùng thử dù một lần, không mua bán chuyền tay.
- Đối với thầy, cô giáo cần phải quan tâm, thường xuyên nhắc nhở các em học sinh không được nhận bất cứ quà, kẹo bán, đồ ăn từ những người lạ mà không có bố mẹ, thầy, cô giáo đi cùng.
- Đối với các bậc phụ huynh nên hạn chế hoặc không cho trẻ mua đồ ăn vặt hoặc mua các loại thực phẩm không rõ nguồn gốc, kém chất lượng, dễ gây ra ngộ độc. Điều kiện lý tưởng là phụ huynh chuẩn bị đồ ăn tại nhà cho con hoặc hướng dẫn con mua ở những quán ăn, cửa hàng, nơi đảm bảo an toàn thực phẩm được chứng nhận.
Đối với người buôn bán cần thực hiện:
- Các loại thực phẩm không được bày bán gần cống rãnh lộ thiên, chổ để rác, nhà vệ sinh, nơi bùn lầy, nước đọng, gần chổ bán hàng tươi sống.
- Thực phẩm phải được bao gói bằng các loại bao bì hợp vệ sinh (không dùng giấy bao sơn, vẽ, in mực, màu).
- Thực phẩm được bày trong tủ kín để tránh bụi, ruồi nhặng và côn trùng.
- Thực phẩm phải được bày trên giá cao, cách mặt đất ít nhất 60cm.
- Phải có dao thớt dùng riêng cho việc thái, chặt thực phẩm chín.
- Người bán hàng phải giữ vệ sinh cá nhân sạch sẽ, không mắc bệnh truyền nhiễm, bệnh ngoài da. Người bán hàng, khách hàng phải có dụng cụ để gắp, chọn thức ăn, không được trực tiếp dùng tay cầm, sờ vào thực phẩm.
- Sử dụng nước sạch, nguyên liệu an toàn để giảm nguy cơ ô nhiễm thực phẩm.
- Nước thải phải được thu gom và bảo đảm không gây ô nhiễm môi trường khu vực kinh doanh.
- Kịp thời phát hiện và liên hệ với cơ sở y tế khi có các triệu chứng xảy ra ngộ độc thực phẩm để được điều trị kịp thời.
BS Trần Xuân Phương