Làm bạn với con tuổi mới lớn

Đăng ngày 04 - 03 - 2020
Lượt xem: 8.928
100%

 

Khi con bước vào tuổi thiếu niên (cũng tức là tuổi vị thành niên) là thời điểm có sự thay đổi về tâm lý, tình cảm. Tuổi dậy thì có thể gây lo lắng. Những em mới lớn rất nhạy cảm trước suy nghĩ của người khác về mình. Dậy thì sớm cũng có thể gây khó khăn, đặc biệt là với các em gái. Dậy thì không có nghĩa là trưởng thành. Vậy mới có câu châm ngôn: “Sự ngu-dại vốn buộc vào lòng con trẻ”. Nhìn vẻ bề ngoài của một số em tuổi vị thành niên trông rất phổng phao, ra dáng người lớn, nhưng như thế không có nghĩa là em đó có thể đưa ra quyết định khôn ngoan, cư xử có trách nhiệm, có tính tự chủ hoặc những biểu hiện trưởng thành khác. Vì vậy, ở tuổi này các con rất cần sự chia sẻ của cha mẹ. Cha mẹ cũng từng là thiếu niên với biết bao lo lắng, hồi hộp, vì thế đến lượt con mình, cha mẹ giúp con hành trang bước vào đời là vô cùng quan trọng.

Theo các chuyên gia tâm lý, cha mẹ nên chia sẻ về những điều có thể diễn ra ở tuổi teen, để con được biết những gì có thể gặp phải và con có thể trao đổi với bố mẹ để được tư vấn. Cha mẹ có thể nói với con về những thành công và thất bại khi con ở tuổi mới lớn và khuyến khích con học hỏi từ những kinh nghiệm của chính mình khi ở vào độ tuổi của con bây giờ. 

Việc cha mẹ không hiểu được khả năng, mong muốn của con, không tôn trọng sự riêng tư của con, không biết bạn của con là ai, không cho con tự quyết định, không cho con thử làm và thất bại... có thể sẽ là những rào cản dẫn đến việc con cái càng ngày càng xa cách cha mẹ. Thực tế cuộc sống đã chứng minh, nhiều bậc cha mẹ vì sốt ruột, luôn thúc giục con đạt được những mong đợi của mình đã dẫn đến việc con cái trở nên căng thẳng trong cuộc sống, từ chỗ không những không đạt được mong muốn kỳ vọng của cha mẹ, mà trái lại còn trở nên nguy hiểm hơn khi sa đà vào thói ăn chơi, lêu lổng, giao du với nhóm bạn hư hỏng. Việc cố gắng tìm hiểu các bạn của con, hiểu những suy nghĩ của con, mong ước của con sẽ giúp cha mẹ tìm được cách giao tiếp tốt hơn với con.

Trên các diễn đàn, người ta đưa ra bàn luận nhiều về tuổi mới lớn để tìm ra các câu trả lời xung quanh các mệnh đề như: Tuổi mới lớn, phải chăng là cánh cửa bí ẩn mà đa số chúng ta chưa tìm hiểu và khám phá đến nơi đến chốn?! Tuổi của sự nổi loạn, muốn chứng tỏ mình nhưng lại rất cô đơn? Tuổi rất cần sự yêu thương và thấu hiểu...

Nhiều em khi được hỏi: Ở tuổi mới lớn, các em mong muốn được chia sẻ điều gì với gia đình và thầy cô? Các em muốn gì ở người lớn?... Các em đã thẳng thắn bày tỏ: Điều em muốn được chia sẻ với gia đình và thầy cô đó là về bản thân em, về việc học tập, về bạn bè của em, về tình cảm với người khác phái hay hạnh phúc gia đình. Nhưng việc đó không dễ dàng chút nào vì có thể những suy nghĩ tuổi mới lớn của chúng em sẽ sai lệch với những suy nghĩ mà gia đình cũng như thầy cô mong muốn chúng em thực hiện. Nên chúng em muốn gia đình và thầy cô có thể chia sẻ với chúng em những vấn đề khá tế nhị như chuyện tình cảm trai gái ở tuổi mới lớn hay những vấn đề về bản thân chúng em. Những điều chúng em muốn ở người lớn đó là sự cảm thông sâu sắc về những suy nghĩ tuổi mới lớn cũng như mong muốn có được sự quan tâm chân thành từ cha mẹ chứ không chỉ khi chúng em mắc sai lầm rồi mới thể hiện sự quan tâm bằng cách la mắng, quát tháo, trì chiết...

Các chuyên gia tâm lý cho rằng: trong một xã hội đang có nhiều phức tạp, thì các bạn trẻ nên cần tìm đến các nhà tâm lý khi cần thiết. Tuy nhiên, bất cứ ai cũng có thể trở thành nhà tư vấn không chuyên. Nên các bậc cha mẹ hoàn toàn có thể trở thành những người bạn đáng tin cậy để các con chia sẻ những bức xúc, buồn vui, trăn trở trong cuộc sống. Nên đưa ra các câu hỏi khuyến khích con nói chuyện. Để giúp con cảm thấy thoải mái hơn, hãy nói về chuyện dậy thì ở những người khác. Chẳng hạn, cha mẹ có thể hỏi con gái: “Các bạn gái trong lớp của con đã bắt đầu xôn xao về chuyện có kinh chưa?”, “Các bạn khác có chọc ghẹo những bạn phát triển hơi sớm không?”. Cha mẹ có thể hỏi con trai: “Các bạn có chê bai những bạn phát triển chậm hơn không?”. Khi các em bắt đầu cho biết về tuổi dậy thì của những bạn khác, các em sẽ dễ nói lên cảm xúc và chuyện riêng của mình hơn. Nhiều em dường như không muốn nói chuyện với cha mẹ về vấn đề dậy thì, nhưng đừng nên hiểu lầm con và cũng đừng vội bỏ cuộc. Sách You and Your Adolescent cho biết: “Dù giả vờ không quan tâm, chán, thấy ghê hoặc giả điếc, nhưng các em lại nhớ hết mọi lời bạn nói”.

Lắng nghe con và sẵn sàng chia sẻ với con những câu chuyện tuổi mới lớn thực sự là nghệ thuật của các bậc cha mẹ. Thậm chí ngay cả khi con không may gặp những thất bại đầu tiên trong cuộc đời, thì cha mẹ vẫn luôn là chỗ dựa tin cậy, khích lệ con đứng lên, vượt qua khó khăn để vững bước. Thường thì trong cuộc sống, cha mẹ không muốn con bị tổn thương hay thất vọng nên ngăn những tình huống mà con có thể gặp thất bại. Nhưng những người đi qua thất bại sẽ trở nên cứng rắn và mạnh mẽ hơn. Phụ huynh nên ngồi nói chuyện với con về mơ ước và thúc đẩy con hướng tới việc đạt được ước mơ, đằng sau luôn có sự hỗ trợ của cha mẹ./.

Chí Đại

Tin liên quan

Tin mới nhất

Công văn 160/CCDC-NV V/v định hướng nội dung hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Thalassemia...(23/04/2024 9:05 SA)

Tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ công tác dân số(13/12/2023 8:50 SA)

Công văn 174/CCDS-NV Triển khai các hoạt động truyền thông hưởng ứng Ngày Thalassemia thế giới...(26/04/2023 2:47 CH)

Công văn 325/CDDS-NV Phối hợp tổ chức Cuộc thi sáng tạo video clip trên website www.cpcs.vn(16/11/2021 8:44 SA)

Công văn 267/CCDS-NV Tuyên truyền và tham gia giải báo chí toàn quốc về công tác dân số(16/09/2021 8:23 SA)

111 người đang online
°