Cảnh báo bệnh ho gà quay trở lại

Đăng ngày 05 - 06 - 2024
Lượt xem: 58
100%

 

Theo thống kê của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm 2024 đến nay, cả nước ghi nhận 127 ca mắc ho gà, số mắc tăng 7,9 lần so với cùng kỳ năm 2023, chủ yếu ở một số tỉnh, thành phố khu vực phía Bắc. 

Ho gà là bệnh truyền nhiễm cấp tính lây qua đường hô hấp, bệnh do vi khuẩn gram âm Bordetella pertussis gây ra. Bệnh dễ lây lan, xảy ra chủ yếu ở trẻ em, đặc biệt là trẻ em dưới 12 tháng tuổi, trẻ chưa tiêm vắc xin phòng bệnh ho gà và có thể ở mọi lứa tuổi. Khả năng lây nhiễm cao ở những người sinh hoạt trong cùng một không gian khép kín như hộ gia đình, trường học. “Bệnh diễn tiến nhanh, dễ tử vong do bội nhiễm, gây biến chứng viêm phế quản, viêm phổi, nhất là ở trẻ chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắc xin phòng bệnh ho gà, trẻ suy dinh dưỡng. Do đó, việc phát hiện sớm các dấu hiệu của bệnh để điều trị là rất quan trọng”

Sau khi xâm nhập vào đường hô hấp, vi khuẩn sẽ bám vào niêm mạc của đường hô hấp, từ vị trí đó các vi khuẩn sẽ nhân lên thành các độc tố và gây bệnh. Các triệu chứng ho gà thường xuất hiện trong vòng 7-10 ngày. Khởi đầu của bệnh có thể không sốt hoặc sốt nhẹ, có viêm đường hô hấp trên, mệt mỏi, chán ăn và ho. Cơn ho gà rất đặc trưng, người bệnh ho rũ rượi không thể kìm hãm được, sau đó là giai đoạn thở rít như tiếng gà gáy. 

“Khi có triệu chứng về bệnh hô hấp, người dân cần đến các cơ sở y tế khám. Nếu phát hiện ra bệnh ho gà cần được theo dõi điều trị và cách ly. Thời gian cách ly ít nhất là 5 ngày, hoặc đến khi hết triệu chứng

Ngành Y tế cũng khuyến cáo các cơ sở giáo dục, nhất là các trường mẫu giáo, trường mầm non, nhà trẻ triển khai các hoạt động phòng, chống dịch bệnh như bảo đảm vệ sinh sạch sẽ, thông thoáng lớp học và có đủ ánh sáng; thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng với nước sạch; theo dõi chặt chẽ sức khỏe học sinh, phát hiện kịp thời những trường hợp có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh và thông báo cho cơ sở y tế để phối hợp xử lý kịp thời.

Tiêm vắc xin là biện pháp phòng bệnh hiệu quả 

Hiện nay, đã có vắc xin phòng bệnh ho gà. “Để chủ động phòng, chống bệnh ho gà, cha mẹ cần lưu ý đưa trẻ đi tiêm chủng vắc xin phòng bệnh ho gà đầy đủ, đúng lịch. Vắc xin ho gà nằm trong vắc xin 5 trong 1 ở chương trình tiêm chủng mở rộng, hoặc vắc xin dịch vụ 6 trong 1.

Đối với trẻ khi sinh ra từ các bà mẹ không có kháng thể phòng bệnh ho gà có nguy cơ mắc bệnh cao hơn so với trẻ nhận được kháng thể từ mẹ.

Để chủ động phòng bệnh cho trẻ nhỏ trước khi bước vào độ tuổi tiêm chủng, các bà mẹ có thể tiêm vắc xin phối hợp phòng bệnh uốn ván-bạch hầu-ho gà trong thời gian mang thai. Song song đó, cần thực hiện tốt các biện pháp khác như thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng cho trẻ hằng ngày; bảo đảm nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng; hạn chế để trẻ đến những nơi đông người, tránh tiếp xúc với những người bị bệnh đường hô hấp, đặc biệt là người bệnh ho gà.

 BS Trần Xuân Phương

 

Tin liên quan

Tin mới nhất

Công văn 753/KSBT-TCHC V/v báo giá nước giải khát lớp tập huấn (15/05/2024 1:45 CH)

Tập huấn vệ sinh ATTP cho các hộ kinh doanh tại tuyến phố đi bộ(26/04/2024 5:05 CH)

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật triển khai Chương trình Nha học đường cho học sinh mầm non(26/04/2024 3:56 CH)

Hội nghị đánh giá kết quả thực hiện hoạt động cải thiện dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ...(23/04/2024 4:55 CH)

Cảnh báo nguy cơ ngộ độc thức ăn đường phố, nơi cổng trường học (22/04/2024 3:43 CH)

31 người đang online
°